Thế giới loài người ban đầu vốn có thể tồn tại và phát triển nhờ nhóm những người Nông dân, rồi tới nhóm Thợ thủ công. Khi cả Nông dân và Thợ thủ công đều sản xuất thừa sản phẩm so với nhu cầu tiêu dùng của chính mình, thì nhóm Thương lái xuất hiện – giúp người này có thể trao đổi hàng hóa dư thừa với người kia, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình mình.

Tới sau này, nhóm Nông dân đã phát triển thành Ngành Nông nghiệp, nhóm Thợ thủ công phát triển thành Ngành Công nghiệp, và nhóm Thương lái phát triển thành Ngành Dịch vụ.

Nhưng trẻ em của chúng ta đang sống trong thành phố của chúng ta - đã không còn nhìn thấy sự vận hành cơ bản của thế giới nữa, vì xoay xung quanh các em chủ yếu chỉ có dịch vụ mà thôi.

Đó không phải là một môi trường giáo dục chuẩn bị tốt cho đời sống thực tế của các em sau này.

Điều đó dẫn tới nỗi hoang mang và sự giới hạn lựa chọn của các em khi các em phải quyết định học nghề nào để làm cả đời. Và cũng vì thế, nhiều trẻ em của chúng ta sau này lớn lên trở thành những người lớn không yêu công việc mà mình dành 5 ngày mỗi tuần trong cuộc sống đáng quý để làm.

Vì vậy, Maya muốn mang tới cho các em cơ hội để chiêm ngưỡng sự vận hành cơ bản, nguyên sơ của trái đất, bằng cách sống bên cạnh những người đang LÀM NGHỀ thực sự: những người nông dân đang gieo trồng, những người thợ mộc đang xẻ gỗ, những người thợ gốm đang nhào đất, những người thợ may đang cắt vải, những người quản lý đang tính toán, và những người nghệ sỹ đang sáng tác bức tranh từ tâm hồn mình…

Để các em có thể thấy được tình yêu đất và ánh mặt trời của những người nông dân, và niềm vui của họ khi gặt hái mùa màng; tình yêu gỗ của người thợ mộc và niềm vui của họ khi đặt thêm một chiếc ghế dành cho người bộ hành nghỉ chân lặng lẽ dưới bóng cây ven đường v.v…

Và rồi các em có thể lựa chọn cho mình nghề gì đó mà mình thực sự thuộc về, sản xuất thứ gì đó có ích cho chính em cũng như cho thế giới, hay là giúp những người sản xuất có thể trao đổi hàng hóa với nhau, v.v…

Để các em có thể sống một cuộc đời hạnh phúc và tràn đầy, ý nghĩa, tình yêu và niềm vui.

Ở Maya Village, MỖI BUỔI CHIỀU,

- trẻ em MAYA TIỂU HỌC có thể tự do để tham gia vào bất cứ xưởng nào mà các em muốn, để học những kỹ năng nghề mà các em yêu thích

- trẻ em MAYA THCS sẽ tự phân mình vào nhóm của một xưởng nào đó mà các em lựa chọn, cùng những người phụ trách xưởng, thực sự làm việc (với những kỹ năng đã được trang bị từ Tiểu học) để tự cung tự cấp các sản phẩm nuôi trồng, thủ công và nghệ thuật cho hoạt động của tất cả các học sinh trong Trường.

- (và sau này, nếu chúng tôi có Maya THPT – một ước mơ, thì các học sinh THPT sẽ là nhóm người quản lý và trao đổi hàng hóa mà các nhóm thợ hay nông dân học sinh THCS làm ra)

Xưởng thủ công M.O

Đây là nơi trẻ em cùng với những người thợ thủ công thực sự sẽ sản xuất phần lớn đồ dùng thủ công cho hoạt động thường nhật của Trường, như: bát đĩa, cốc chén, bình vò, tạp dề, khăn trải bàn, vỏ gối, rèm cửa, khăn quàng cổ, nến trang trí các sự kiện, búp bê, sổ ghi chép cá nhân v.v…

Xưởng thủ công M.O gồm các khu vực:

  • - Làm gốm: với lò nung điện, máy làm gốm, bàn xoay, và đầy đủ các dụng cụ gốm khác;

  • - May vá, đan móc, thêu;

  • - Làm nến và các đồ dùng trang trí nhỏ;

  • - Làm sổ, đóng bìa sách …

Người phụ trách Xưởng: Đặng Thu Trang

  • - Thạc sỹ Chuyên ngành Thiết kế, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, 2011;

  • - Cử nhân Chuyên ngành Thiết kế Thời trang, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, 2009;

  • - Giáo viên Montessori Quốc tế Level 3-6, chứng nhận bởi AMS và MACTE.

Xưởng mộc Mira

Đây là nơi mà trẻ em có thể học nghề cùng một Chuyên gia Tạo dáng công nghiệp và Tự động hóa, và những người Thợ mộc Thạch Thất lành nghề.

Các em có thể cùng với người phụ trách xưởng thực sự sản xuất ra những món đồ mộc để dùng cho cuộc sống học tập thực tế ở Trường, hay sửa chữa mọi món đồ mộc bị hỏng trong trường (như bàn ghế, giá kệ, đồ chơi gỗ, v.v..)

Các em cũng có thể trong quá trình này tìm hiểu về tự động hóa, và phát triển tư duy sáng tạo ứng dụng của mình

Xưởng mộc Mira gồm các khu vực:

  • - Làm đồ mộc: Cưa cắt, đục đẽo, đóng đinh... để tạo ra các vật dụng bằng gỗ.

  • - Khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu về khoa học.

  • - Chế tạo những món đồ chơi thú vị

Người phụ trách Xưởng: Kiều Quốc Công

  • - Chuyên ngành Thiết kế, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, 2007;

  • - Chuyên gia Thiết kế kiểu dáng công nghiệp

Xưởng nghệ thuật LEA

Nơi trẻ em có thể học về Nghệ thuật tạo hình với một nghệ sĩ thực sự còn đang sáng tác, để có thể hiểu sâu sắc 7 yếu tố cơ bản trong nghệ thuật tạo hình (Hình khối – Form, Đường nét – Line, Hình dạng – Shape, Màu sắc – Color, Chất liệu – Texture, Không gian – Space, Sắc độ – Value),

và thực sự sáng tác những tác phẩm từ tâm hồn mình.

Xưởng nghệ thuật LEA có thể giúp các em có đủ các kiến thức và kỹ năng cơ bản của nghệ thuật tạo hình, để các em có thể sáng tạo nghệ thuật trong các lĩnh vực:

  • - Tranh,

  • - Thiết kế,

  • - Sắp đặt,

  • - Điêu khắc…

Người phụ trách Xưởng: Đào Thu Thủy

  • - Thạc sỹ Ngành Hội họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Yết Kiêu);

  • - Cử nhân Thiết kế Mỹ thuật Hoạt hình, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, 2016;

Xưởng thảo mộc Lá Mây

Nơi trẻ em có thể học để làm các sản phẩm từ mọi loại thảo mộc trồng trong Nông trại của MAYA:

  • - Tinh dầu

  • - Các loại trà

  • - Sữa tắm, nước gội đầu, nước rửa tay

  • - Thuốc lá để xông và ngâm v.v..

Những sản phẩm các em làm ra sẽ được dùng trong cuộc sống thường ngày của chính các em ở Trường.

Nông trại Piccioni

Nông trại Maya được vận hành bởi chính các bác nông dân sống quanh Làng Maya, dưới sự hướng dẫn của một kỹ sư nông nghiệp Maya, để:

  • - Dạy trẻ em cách trồng cây theo hướng thuận tự nhiên;

  • - Trồng lại rừng trên các mảnh đất thuộc Làng Maya;

  • - Cung cấp một phần lương thực, nước uống cho Trường;

  • - Trồng các loại thảo mộc và cung cấp nguyên liệu cho Xưởng Thảo mộc Lá Mây.

Ở đây, học sinh và giáo viên toàn trường sẽ cùng các bác nông dân làm việc trong các vụ gieo trồng hay thu hoạch,

Và những trẻ em yêu thích nông nghiệp sẽ tự do lui tới mỗi buổi chiều để chăm sóc cây, quan sát cách các loại cây và sinh vật đang sống dựa vào nhau, hay cách mà chúng lớn lên.